Có được một ngôi nhà phố đẹp ắt hẳn là mơ ước của không ít người, đòi hỏi nhiều tâm huyết. Chính vì vậy, khi quyết định xây dựng, bạn cần tham khảo và lưu ý những kinh nghiệm xây nhà phố như xác định chi phí, lựa chọn nhà thầu, thi công phần thô và hoàn thiện nội thất…
Xây nhà phố là một việc vô cùng quan trọng nên bạn cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Nhưng bạn đang phân vân không biết nên bắt đầu từ đâu để thực hiện điều này. Làm nhà phố bắt đầu từ đâu trước? Phải liên hệ với ai?…rất rất nhiều các câu hỏi được đặt ra. Qua quá trình tư vấn thiết kế và thi công cho nhiều khách hàng, dưới đây là một số kinh nghiệm được đúc kết và các bước cần biết để xây dựng một ngôi nhà phố đẹp:
Khi lên kế hoạch hoặc bắt tay vào xây dựng nhà phố, hãy lưu ý đến 4 yếu tố sau:
- Tính kinh tế
- Tính bền vững
- Tính tiện dụng
- Tính thẩm mỹ
Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ về những gì bạn cần cho một kế hoạch xây nên ngôi nhà phố đẹp, cũng như tránh thiếu sót trong công tác chuẩn bị.
Bạn nên tham khảo kinh nghiệm để có kế hoạch xây nhà phố hoàn chỉnh
1. Tìm hiểu kỹ về thủ tục pháp lý
Để có thể xây được một ngôi nhà phố đẹp, khu đất của bạn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Hãy tìm hiểu về thủ tục pháp lý thật kỹ và chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ.
Theo khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
- Bản sao là một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Bản vẽ thiết kế xây dựng.
- Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề của nhà kế bên.
Trên thực tế có rất nhiều người do lịch sử về gia đình và vấn đề chuyển giao giữa các thế hệ mà việc chủ sở hữu trở nên không rõ ràng về phương diện pháp lý, cũng như là việc cấp phép xây dựng không được phê duyệt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây nhà phố. Chính vì vậy ngoài những điều trên người muốn xây nhà phố cũng cần lưu ý thêm:
- Quyền sở hữu và quyền sử dụng đất
- Vấn đề quy hoạch đô thị
- Những quy định bắt buộc khác của chính quyền địa phương liên quan đến khu vực xây nhà của bạn như: khống chế tầm cao, số lượng tấm sàn, phần không gian chung,…
- Những vấn đề quan hệ với hàng xóm xung quanh như: vách chung, lối đi chung, cây xanh, thoát nước,…
Thủ tục pháp lý là yếu tố quan trọng khi xây nhà phố bạn cần chú ý
2. Lên kế hoạch tài chính rõ ràng
Trước khi xây dựng một ngôi nhà phố, bạn nên chuẩn bị tốt về một kế hoạch tài chính. Bạn cần xác định khả năng tài chính và có kế hoạch rõ ràng với các danh mục cụ thể. Điều này giúp bạn dự trù được các khoản cần phải chi tiêu. Đây là vấn đề cốt lõi, là nền tảng để tạo nên một ngôi nhà trong tương lai. Việc ước tính các chi phí khi xây dựng cho toàn bộ ngôi nhà là điều hết sức cần thiết. Vì thế, nếu đã có kế hoạch làm nhà phố trong thời gian tới bạn cần phải bắt đầu chuẩn bị kinh phí cho nhà phố mới ít nhất khoảng 3-4 tháng và dự trù một khoảng phát sinh cho công trình.
Ngoài ra, việc có kế hoạch về chi phí xây dựng cơ bản như xây dựng thô, chi phí cho phần hoàn thiện nội thất và nhân công cũng rất quan trọng.
Bạn cần lưu ý rằng trong thực tế xây dựng nhà phố luôn có những phát sinh nhất định so với chi phí ước tính ban đầu từ 10% – 30% và nên có một khoản dự phòng. Khi bạn có một kế hoạch tài chính ngay từ đầu, bạn sẽ tránh được những vấn đề tài chính trong quá trình xây dựng.
Hãy có một kế hoạch tài chính rõ ràng trước khi xây dựng nhà phố
3. Xác định ý tưởng kiến trúc, chức năng và nhu cầu sử dụng của nhà phố
Tùy thuộc vào nhu cầu, sở thích và phong cách sống của mình mà bạn có thể lựa chọn ý tưởng kiến trúc phù hợp như: phong cách truyền thống ấm áp, nhẹ nhàng trẻ trung hiện đại, hay vẻ đẹp ấn tượng cá tính. Tốt nhất là bạn nên xác định ý tưởng kiến trúc cho nhà phố của mình trước khi làm việc với kiến trúc sư.
Sau khi đã xác định rõ phong cách nhà phố đẹp mà bạn thích, hãy xem xét đến vấn đề chức năng sử dụng của ngôi nhà và tiến hành phân chia không gian nhà phố. Bạn có thể đặt những câu hỏi đơn giản để làm rõ điều này:
- Ngôi nhà của bạn chỉ đơn thuần là để ở hay còn có mục đích khác?
- Vừa dùng để ở, vừa kết hợp với việc kinh doanh?
- Nhà phố được xây để cho thuê phòng trọ hay vừa để ở, vừa cho thuê…?
Xác định ý tưởng kiến trúc, chức năng và nhu cầu sử dụng của nhà phố
Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét đến vấn đề nhu cầu sử dụng của nhà phố.
- Diện tích, vị trí, số lượng của các căn phòng trong nhà.
- Những không gian nào cần có như: Phòng thờ, nhà để xe, sân phơi, một khu vườn nhỏ…
- Những thay đổi về nhu cầu có thể phát sinh trong tương lai như: Gia đình có thêm thành viên.
4. Trao đổi ý tưởng thiết kế với kiến trúc sư
Việc chúng ta tự tính toán hoặc giao hết cho chủ thầu thường không mang lại hiệu quả cao. Các kiến trúc sư sẽ đưa ra những phương án tốt nhất cho từng chi tiết và các giải pháp tối ưu cho nhà phố. Các đơn vị chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức cũng như tiết kiệm tiền bạc trong việc sử dụng vật liệu thông minh, và tránh được những sai lầm có thể mắc phải.
Làm việc với kiến trúc sư là một khâu rất quan trọng trong quá trình xây dựng nhà phố. Bạn hãy nói ra những điều bạn cần, cũng như những mong muốn của mình về ý tưởng cho ngôi nhà phố đẹp. Việc còn lại là kiến trúc sư sẽ giúp bạn thiết kế lên một ngôi nhà phố có đầy đủ yếu tố thẩm mỹ và tiện ích.
Trong khi làm việc với kiến trúc sư bạn cần đưa ra chi tiết nhu cầu, ý tưởng về phong cách, sở thích và những vấn đề về căn nhà liên quan đến phong thủy. Điều này sẽ giúp bạn có được những thiết kế tốt nhất.
Những vấn đề về ý tưởng thiết kế, sáng tạo hài hòa trong kiến trúc, cũng như vẻ đẹp và sự tiện dụng của nhà phố cùng với chuyên môn trong thiết kế thì bạn nên để kiến trúc sư quyết định. Bạn cũng nên lắng nghe những ý kiến và tư vấn từ kiến trúc sư trước các yêu của mình.
Bạn sẽ được tư vấn và hỗ trợ khi xây nhà phố nếu làm việc với kiến trúc sư
5. Kinh nghiệm lựa chọn vật liệu xây dựng nhà phố
5.1. Kinh nghiệm lựa chọn và phân loại vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng là yếu tố quan trọng tạo nên một ngôi nhà phố. Bạn không nên lựa chọn những loại vật liệu có giá thành quá rẻ, kém chất lượng; vì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.
Bạn có thể phân loại thành hai phần để dễ dàng lựa chọn:
- Vật liệu xây dựng phần thô bao gồm: Gạch, đá, xi măng, cát, bê tông, cốt thép,…
- Vật liệu xây dựng hoàn thiện bao gồm: Thiết bị vệ sinh, các hệ thống ống cấp và thoát nước, các loại sơn, gạch lát nền,…
Bạn không nên lựa chọn vật liệu có giá thành quá rẻ, kém chất lượng khi xây nhà phố
Bạn nên tham khảo nhiều loại với các mức giá khác nhau trên thị trường trước khi đưa ra quyết định phù hợp cho nhà phố của mình. Lựa chọn vật liệu xây dựng đảm bảo chất lượng sẽ là yếu tố quyết định đến độ vững chắc và an toàn cho toàn bộ nhà phố của bạn.
5.2. Giá vật liệu trên thị trường (tham khảo)
Qua tham khảo giá được biết giá cát xây dựng đã tăng hơn một tháng nay. Trước đây, giá cát chỉ đứng ở 290 – 300 nghìn/1 khối nhưng bây giờ tăng từ 450 -500 nghìn; giá cả cũng tùy từng loại cát. Có cát thường và cát đẹp. Cát thường thì màu sẽ đen và lẫn nhiều tạp chất hơn; còn cán đẹp màu sẽ vàng óng và chất lượng cát tốt hơn.
Đối với gạch để xây cũng có nhiều loại nhiều giá cả tứ 8 – 12 nghìn/1 viên gạch. Theo những người bán hàng thì có loại gạch thường và gạch cao cấp. Những người bán hàng cho biết, những gia chủ có điều kiện thường chọn những loại gạch cao cấp để xây nhà phố; còn những nhà xây dựng tạm bợ, nhà xây cho thuê thì thường chọn gạch thường. Tuy nhiên, theo chủ vật liệu xây dựng, gạch thường cũng có loại chất lượng không thua kém gạch cao cấp.
Giá sắt đang có dấu hiệu giảm nhẹ xuống 1– 2 nghìn đồng/kg. Giá trên thị trường cũng tùy từng loại sắt. Giá sắt Việt Nhật phi 6, phi 8 thì có giá từ 13.500-14.200 đồng/cây; phi 10 có giá 90.000-95.500 đồng/cây; phi 12 có giá 128.000 đồng/cây; phi 14 có giá 175.000đ/ cây; phi 16 có giá 215.000/cây; phi 18 có giá 284.000/ cây. Ngoài ra, có một số loại sắt khác có giá thành rẻ hơn sắt của Việt Nhật hay Việt Úc
Đá trộn đổ bê tông có 2 loại: thường có giá 370.000 đồng/ khối, đá đẹp có giá 390.000 đồng/khối.
Đối với xi măng cũng có nhiều loại xi măng Sài Gòn giá từ 70.000-76.000 đồng/bao; xi măng Holcim có giá 87.000-92.000 đồng/bao; xi măng Hà tiên có giá 91.000 đồng/bao.
6. Lựa chọn nhà thầu và giám sát xây dựng uy tín
Bạn hãy đảm bảo rằng nhà thầu, giám sát xây dựng mà bạn chọn là đơn vị có uy tín; đáp đứng đầy đủ các yếu tố về chuyên môn; đặc biệt là luôn tuân thủ quy định an toàn lao động.
Bạn nên lựa chọn nhà thầu với 4 yếu tố chính sau:
- Có trình độ về chuyên môn kỹ thuật.
- Đáp ứng được thời gian, tiến độ thi công xây dựng.
- Giá thành thi công xây dựng rõ ràng.
- Đảm bảo về an toàn lao động.
Hãy đảm bảo rằng nhà thầu xây nhà phố mà bạn chọn là đơn vị có uy tín
7. Hoàn công xây dựng nhà phố
Hoàn công xây dựng là bước cuối cùng để hoàn thành thủ tục và ghi nhận của một ngôi nhà phố trên giấy tờ pháp lý. Để có thể hoàn công được dễ dàng, bạn cần lưu ý chuẩn bị theo các bước thực hiện sau:
- Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của nhà nước với các giấy tờ liên quan như: Đơn xin hoàn công nhà ở, bản vẽ hiện trạng hoàn công nhà, hợp đồng xây dựng, biên bản nghiệm thu công trình từ đơn vị thi công, giấy phép xây dựng…
- Bạn có thể nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân quận.
- Nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Văn phòng Ủy ban nhân quận.
Hãy chuẩn bị chu đáo theo các văn bản quy định hoàn công nhà phố của nhà nước
- Phòng Khách Đẹp | 8 Ý Tưởng Trang Trí Phòng Khách Hiện Đại
- Thiết Bị Vệ Sinh Inax Và Toto Loại Nào Tốt? So Sánh Cụ Thể
Kết
Bài viết trên đây chia sẻ về kinh nghiệm, thủ tục và các bước cần thiết khi xây nhà phố. Hy vọng những chia sẻ trên giúp cho các bạn có ý định xây nhà phố đỡ bối rối hơn. Chúc mỗi người các bạn đều có ngôi nhà phố đẹp của riêng mình nhé!
Nguồn: Nhà cửa – gia dụng