Nghị luận xã hội cũng là một dạng câu hỏi làm văn phổ biến trong các đề thi lớn, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức hằng năm. Qua đó mà việc ôn luyện làm văn nghị luận xã hội là rất quan trọng.
1. Văn nghị luận xã hội là gì?
Nghị luận xã hội là một dạng đề văn nhằm kiểm tra trình độ nhận thức, kỹ năng sống và những suy nghĩ của học sinh về cuộc sống hay về những tâm tư, tình cảm nói chung. Từ đó mà có thể rèn luyện, giáo dục nhân cách, những đức tính tốt đẹp cho học sinh.
Có thể thấy, dạng đề văn nghị luận xã hội thường nhắm vào những vấn đề cơ bản về giá trị con người, các triết lý, nhân sinh về cuộc sống hay những hiện tượng đang diễn ra xung quanh xã hội chung ta. Qua đó, mà chuyển hóa những điều tốt đẹp ấy thành những kinh nghiệm sống cho mỗi học sinh trong nhà trường.
Nghị luận xã hội về đời sống
Thông qua đó, ta có thể suy ra 2 loại văn nghị luận xã hội chính đó là Nghị luận xã hội về đời sống và Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý. Trong 2 dạng đề này sẽ có những vấn đề khác nhau, và tùy vào từng vấn đề mà học sinh sẽ có cách trình bày cũng như cách thể hiện riêng biệt.
2. Đặc điểm của dạng đề viết đoạn văn Nghị luận xã hội
Việc ôn luyện làm văn nghị luận xã hội cũng rất quan trọng cho kỳ thi THPT mỗi năm. Vì thế mà bản thân mỗi học sinh cũng cần phải nắm rõ những kiến thức và kỹ năng làm bài văn Nghị luận xã hội.
Để có thể hiểu rõ được đặc điểm và yêu cầu của các dạng câu hỏi văn nghị luận thì học sinh phải có kỹ năng quan sát và phân tích những đề thi chính thức qua các năm trước đó. Dưới đây là những dạng câu hỏi văn nghị luận xã hội từ năm 2017 đến năm 2020:
- Đề thi văn chính thức của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017: Từ nội dung đoạn trích “Thiện, Ác và smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ, tư tưởng của mình về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
- Đề thi văn chính thức của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018: Từ nội dung đoạn trích “Đánh thức tiềm lực” của tác giả Nguyễn Duy, hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ, cảm nhận của anh/chị về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước đối với mỗi cá nhân trong xã hội hiện nay.
- Đề thi văn chính thức của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019: Từ nội dung đoạn trích “Trước biển” của tác giả Vũ Quần Phương, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ và cảm nhận của anh/chị về sức mạnh ý chí con người trong thời đại cuộc sống hiện nay.
- Đề thi văn chính thức của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020: Từ nội dung đoạn trích “Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường” của Inamori Kazuo, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.
Nghị luận về một tư tưởng đạo lý
Qua sự quan sát các đề thi, chúng ta có thể đưa ra những nhận định, rút ra những nhận xét của mình về dạng đề văn nghị luận xã hội. Cụ thể là:
Thứ nhất, một đặc điểm chung của dạng đề thi các năm trước là “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu…”. Qua đó mà ta có thể khẳng định,dạng đề thi những năm gần đây đều dựa trên cơ sở của phần đọc hiểu, có quan hệ hữu cơ với phần đọc hiểu. Có thể thấy, từ năm 2017, đề thi Ngữ Văn đã có những sự thay đổi rõ rệt.
Điều này cũng là một thuận lợi đối với các học sinh ôn thi môn ngữ văn. Từ đó mà trong quá trình làm bài, học sinh sẽ có những gợi ý quan trọng ngay chính trong cách suy nghĩ và cách trả lời câu hỏi ở phần đọc hiểu phần đầu tiên của đề thi. Tuy vậy cũng cần phải đọc kỹ đề tránh trùng lặp nội dung ý nghĩa giữ phần đọc hiểu với phần văn nghị luận xã hội.
Thứ hai, một điểm cần lưu ý và cần được xác định rõ ràng đó là câu lệnh trong đề. Câu lệnh trong đề là những yêu cầu. Bao gồm:
- Yêu cầu về hình thức: Một bài văn nghị luận xã hội thường có sự giới hạn về câu chữ như trong đề thi của những năm gần đây. Đều được giới hạn khoảng 200 từ cho một bài văn.
- Yêu cầu về nội dung: Là những khía cạnh, những bình diện, luận cứ nhỏ trong một luận điểm lớn của bài văn. Khi quan sát những đề thi THPT quốc gia trên có thể thấy đề văn đều hướng đến những tư tưởng đạo lý tốt đẹp. Vì thế mà cũng nên chú trọng dạng nghị luận xã hội này.
3. Những lưu ý về kỹ năng viết đoạn văn Nghị luận xã hội
3.1. Hình thức đoạn văn
Về hình thức, đoạn văn nghị luận xã hội cần được đảm bảo dung lượng theo yêu cầu trong đề và thông thường là 200 chữ, tầm 20 – 23 dòng. Vì thế mà việc viết quá dài hay quá ngắn cũng sẽ không hiệu quả, không được đánh giá cao.
Một đoạn văn có thể tùy ý mà lựa chọn những cấu trúc đoạn văn nổi bật như: Móc xích, Song hành, diễn dịch…Nhưng cũng cần phải đúng với cấu trúc đoạn văn như: Không xuống dòng lúc giữa đoạn, Đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái đầu tiên in hoa và lùi một chữ tại đầu dòng, kết dòng bằng dấu chấm, chấm than, ba chấm hoặc dấu hỏi…
Đoạn văn nghị luận cần được đảm bảo yêu cầu trong đề và thông thường là 200 chữ
3.2. Nội dung đoạn văn
Với nội dung đoạn văn nghị luận xã hội, để xác định sao cho đúng và chính xác nhất đó là cần phải xác định và phân biệt giữa bài văn nghị luận hay đoạn văn nghị luận. Nếu bài văn là một vấn đề lớn, cần phân tích nhiều thì nên viết theo bài văn. Còn với những chủ đề nhỏ, một khía cạnh trong chủ đề lớn thì nên viết theo dạng đoạn văn.
Điều mà bạn cần lưu ý là tuyệt đối không triển khai những hệ thống luận chứng, luận cứ của vấn đề làm đoạn văn trở thành bài văn thu nhỏ.
Tuy rằng chỉ nghị luận về khía cạnh, một bình diện rất rõ trong một chủ đề rộng lớn nào đó. Tuy vậy nhưng vẫn cần phải đảm bảo sao cho đoạn văn mạch lạc, logic nhất, bản thân bình diện ấy cũng cần được triển khai theo một hệ thống các ý nhỏ hơn nữa. Để có thể triển khai một hệ thống các ý thì các em có thể tham khảo những gợi ý sau:
– Trường hợp đề yêu cầu luận về nguyên nhân của một quan niệm, hiện tượng nào đó có thể triển khai theo thứ tự các ý như:
- Nguyên nhân chủ quan, khách quan.
- Nguyên nhân từ gia đình, xã hội, nhà trường cũng như bản thân.
- Nguyên nhân đến từ bản thân mỗi cá nhân cùng với những nhận thức, tâm lý, công việc, hoàn cảnh sống…xung quanh chúng ta.
– Trường hợp đề yêu cầu luận về sự chi phối của một cách sống, cách nghĩ hay một hiện tượng xã hội nào đó. Dạng đề này cũng cần dựa vào tính tích cực hay tiêu cực, thường có những câu lệnh như “ý nghĩa” hay “hậu quả”. Dạng đề này có thể triển khai theo thứ tự các ý như:
- Sự chi phối với cá nhân hay của cộng đồng xã hội.
- Sự chi phối với những tâm lý, tính cách hay thân phận của con người.
- Sự chi phối dựa trên thời gian hiện tại và thời gian trong tương lai.
– Trường hợp đề yêu cầu luận về giải pháp cho việc thực hiện một cách sống, cách nghĩ thì có thể triển khai theo thứ tự các ý như sau:
- Giải pháp xuất phát từ cá nhân cho đến cộng đồng.
- Giải pháp xuất phát từ nhận thức cho đến hành động.
- Giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài cho tương lai.
– Trường hợp đề yêu cầu trình bày nhiệm vụ, sứ mệnh hay bài học cho bản thân từ một tư tưởng đạo lý hay các hiện tượng xã hội nào đó thì có thể triển khai theo các ý cơ bản là Ý thức và Hành động.
4. Ví dụ về đề văn nghị luận xã hội
Đoạn văn nghị luận về sự hạnh phúc
Xem thêm:
- 2 Mẫu Bài Văn Câu Cá Mùa Thu Của Nguyễn Khuyến
- 2 Mẫu Phân Tích Tác Phẩm “Hai Đứa Trẻ” Của Nhà Văn Thạch Lam
Đề bài: Viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 từ bàn luận về chủ đề hạnh phúc.
“Hạnh phúc luôn bắt nguồn từ những điều nhỏ nhoi nhất”. Đúng thật là như vậy. Khi ta có được hạnh phúc nghĩa là ta đang có được một cảm xúc vui sướng, bình yên và mãn nguyện khi đã đạt được những gì mình mong muốn. Cũng như những trạng thái tình cảm khác của con người, hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc xuất phát từ con tim, nó có thể xuất hiện ở bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống này, không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, giới tính hay tôn giáo…Chỉ là khi mà con người ta biết hài lòng với những gì mà mình có, khi tâm hồn của một người có thể đạt được trạng thái cảm xúc thanh thản, nhẹ nhõm và viên mãn nhất thì đó chính là cảm giác hạnh phúc nhất.
Ngược lại, nếu mà chúng ta sống vô cảm, đòi hỏi quá cao về bản thân hay không bao giờ có thể hài lòng với cuộc sống của chính mình. Đó chính là một lực cản, không cho phép hạnh phúc tìm đến với chúng ta. Cũng vì thế mà có người dần trở nên khô khan và mất niềm tin vào cuộc sống này. Hạnh phúc luôn xuất hiện ở những điều lớn lao nhưng nó cũng có thể xuất hiện thông qua những điều bé nhỏ, luôn thường trực quanh ta. Điều đó chỉ đơn giản là khi ta nhận được một món quà từ ai đó, một lời cảm ơn hay một sự công nhận khi ta làm được một việc tốt hay chỉ đơn giản là một ngày bình yên mà không phải làm gì…
Hạnh phúc là điều mà bất cứ một con người nào cũng sẽ mong muốn có được, chúng ta sinh ra là để có được tình yêu và sự hạnh phúc. Chúng ta luôn xứng đáng với điều đó, với tất cả những gì mà mình đang có ở hiện tại. Hơn thế nữa, hiện tại chính là một món quà có chứa hạnh phúc mà không phải ai trong chúng ta cũng có thể biết được điều đó. Hãy sống trọn vẹn từng phút từng giây để cảm nhận nó.
Tóm lại, nghị luận xã hội là một dạng đề thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia. Cũng vì thế mà học sinh cũng cần ôn luyện các kiến thức, kỹ năng, học cách nhìn nhận, quan sát, đánh giá những vấn đề một cách logic, khách quan để có thể làm bài thi thật tốt và đạt được điểm tuyệt đối với dạng câu hỏi này.